[Bài Học Từ Sách] Vươn Lên Hoặc Bị Đánh Bại
NẾU KHÔNG NỖ LỰC VƯƠN LÊN, BẠN SẼ BỊ BỎ LẠI
Thế giới luôn thay đổi và con người chúng ta cũng vậy. Mỗi người chúng ta ai ai cũng phải cố gắng để tiến lên phía trước. Sẽ không ai chờ đợi bạn đâu, nếu bạn không nỗ lực, không cố gắng để đi lên, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bạn đã sẵn sàng để vươn lên chưa? Hãy cùng Bila khám phá những bài học từ cuốn “Vươn lên hoặc bị đánh bại” nhé!
1. Vùng thoải mái sẽ hủy hoại tuổi thanh xuân của bạn
“Con người có thói quen là luôn thích ở trong môi trường thoải mái quen thuộc. Một khi vùng thoải mái này được hình thành, bạn sẽ trở nên vô cùng ỷ lại, dần dần bạn sẽ yêu những bức tường xung quanh, yêu căn phòng bé nhỏ thoải mái ấy. Từ đó, bạn không muốn bay ra khỏi nơi ấy vì sợ nhìn thấy thế giới nhốn nháo ồn ào bên ngoài.”
Khi bạn đã quen với vùng thoải mái thì rất khó để bạn có thể bước ra khỏi đó. Vùng an toàn, thoải mái sẽ làm bạn mất đi khả năng sáng tạo, nó sẽ hạn chế khả năng tìm tòi học hỏi của chúng ta. Mà ở tuổi thanh xuân, cái tuổi mà đáng lẽ ra bạn phải trài đầy sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và không ngừng học hỏi để đổi mới bản thân.
“Vùng thoải mái được chia thành hai loại. Một loại là cả ngày ăn không ngồi rồi. Nhưng loại còn lại thì còn đáng sợ hơn, bởi vì rất khó ý thức được loại này, nó chính là sự tuần hoàn vô nghĩa theo quy luật. Mà loại thứ hai này lại là trạng thái cuộc sống của rất nhiều người: Nhìn thoáng qua thì có vẻ rất nỗ lực, rất bận rất mệt, nhưng thật ra nó chỉ là vòng tuần hoàn vô nghĩa, nhạt nhẽo. Cuộc sống như vậy chỉ khiến người ta cảm thấy dễ chịu, nhưng không hề có biến đổi về bản chất.”
Cho dù là loại nào đi chăng nữa thì bạn hãy cố bước ra khỏi vùng thoải mái của mình. Hãy tận dụng tuổi thanh xuân để khám phá và học hỏi nhiều hơn.
2. Càng nhàn rỗi bạn sẽ càng cảm thấy mệt mỏi
Khi quá nhàn rỗi đôi khi bạn sẽ cảm thấy hoang mang, vô định không biết sẽ phải làm gì tiếp theo để rồi từ đó sinh ra cảm giác mệt mỏi.
“Thà rằng bận rộn, còn hơn bị nhàn rỗi chôn vùi, thanh xuân chỉ đến một lần, không liều lĩnh, sẽ không chạm được đến hạnh phúc.
Có một câu nói là: “Bận rộn mới biết quý trọng lúc nhàn rỗi.” Đúng là chỉ sau khi bận rộn mới cảm thấy nhàn rỗi có ý nghĩa, người lúc nào cũng nhàn rỗi lại chẳng hề vui vẻ.
Giống như một người vừa chạy năm kilomet, để anh ta nghỉ một lúc, anh ta sẽ cảm thấy rất thoải mái. Còn người cả ngày nằm một chỗ, cứ để anh ta nằm như vậy, anh ta sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi mà thôi.
Cuộc sống quan trọng nhất là cần kết hợp cả lao động và nghỉ ngơi, huống hồ là còn trẻ như chúng ta, đừng than vãn bận rộn, mệt mỏi. Mệt một chút thì có gì đáng sợ; cần phải biết rằng, khi nhàn rỗi càng khiến chúng ta mệt mỏi.”
Tuổi trẻ thì luôn phải bận rộn mới thấu hết sự quý giá của nhàn hạ.
3. Dũng cảm theo đuổi ước mơ
Tuổi trẻ ai mà chẳng mang trong mình những ước mơ, hoài bão. Nhưng trong cuộc sống chúng ta sẽ không thể tránh được những lúc bạn hoang mang, mơ hồ về chính ước mơ của mình.
Có thể có những người nói ước mơ của bạn là viển vông, họ nói rằng bạn không thực hiện được những dự định, những ước mơ đó. Nhưng hãy nhớ rằng, họ đâu phải là bạn, chỉ có bạn mới biết được rằng đây sẽ là điều phù hợp nhất với mình. Hãy tin tưởng và lắng nghe chính bàn thân mình.
“Cuộc đời con người rất ngắn ngủi, có khi cách nghĩ của chúng ta khi còn trẻ sẽ quyết định cả cuộc đời. Điều quan trọng nhất năm bạn hai mươi tuổi không phải là danh tiếng, thành công hay tiền bạc mà là bồi dưỡng một cách tư duy lành mạnh.
Làm sao để đối mặt với những trắc trở, làm sao chịu được những áp lực, làm sao để theo đuổi ước mơ.
Thật ra trong cuộc đời, hoặc là cố gắng sống theo cách mình nghĩ, hoặc là hình thành thói quen nghĩ theo cách mình sống; hoặc là liều lĩnh để thay đổi cuộc sống, hoặc là quen tìm cái cớ cho sự tầm thường. Con người nếu như luôn sống theo cách tạm bợ, dần dần cũng sẽ không còn chú ý nữa.”
Nội dung: Xuân Sang - Bila Team
Ảnh: Trà My - Bila Team