Cân Bằng Cảm Xúc Cả Lúc Bão Giông - Trở Nên Hạnh Phúc Hơn Mỗi Ngày
Trong cuộc sống, con người luôn có nhu cầu được hạnh phúc. Có thể nói, hạnh phúc là mục tiêu, là đích đến trong cuộc sống của nhiều người. Vậy làm thế nào để có thể đạt được hạnh phúc? Khi nói về nguyên nhân của việc kém hạnh phúc, chúng ta thường đổ lỗi cho các vấn đề khách quan như tai nạn, bệnh tật,… Nhưng thực ra những vấn đề đó không phải nguyên nhân mấu chốt của việc bạn cảm thấy ra sao mà là cách bạn nhìn nhận vấn đề đó như thế nào. Việc này có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của chúng ta - thứ quyết định hạnh phúc của mỗi con người.
Trong cuốn sách "Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông", nhà trị liệu tâm lý học Richard Nicholls đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề trên: ba cách giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, hay đơn giản hơn là những điều chúng ta nên làm để trở nên hạnh phúc hơn mỗi ngày:
1. Nghĩ hạnh phúc, sống hạnh phúc
Đây là điều đầu tiên giúp cuộc sống của chúng ta trở nên hạnh phúc hơn. Như tên gọi của nó, "nghĩ hạnh phúc, sống hạnh phúc" giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận của mình về các biến cố bất ngờ trong cuộc sống.
Chúng ta thường nhìn nhận một cách tiêu cực về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Đây là một ví dụ để bạn có thể hiểu điều này một cách rõ ràng hơn: Janet 41 tuổi, độc thân và làm công việc văn phòng. Cô thành thạo trong công việc, tính cách nhẹ nhàng, tình cảm nhưng thường lo lắng khi đứng trước ông chủ của mình. Ông thường hay quát mắng khiến cô buồn và khóc, một ngày của cô cứ thế tồi tệ dần đi. Điều khiến Janet cảm thấy bản thân mình thật tệ không phải hoàn toàn do việc bị mắc nhiếc thường xuyên mà là cách suy nghĩ của cô về lí do mình bị mắc nhiếc: đó là vì cô làm việc không hiệu quả, vì bản thân cô là một người vô dụng chứ không phải vì một lý do nào khác. Mọi chuyện đã có thể khác đi nếu suy nghĩ của cô khi ấy là "Ông ấy quát mắng mình vì ông ấy không phải một người quản lý tốt" hay "Ông ấy hẳn đang có một ngày tệ hại, vì vậy ông ấy mới quát mắng mình". Bạn đã thấy sự khác biệt khi lối suy nghĩ được thay đổi chưa?
Tất nhiên, khi gặp phải một điều tồi tệ diễn ra trong ngày, chúng ta sẽ có xu hướng nghĩ về điều đó nhiều hơn bình thường. Vì vậy khi phát hiện ra bản thân đang có những suy nghĩ tiêu cực, hãy ngừng suy nghĩ. Ngân nga một ca khúc mới nổi, nghĩ về những điều thú vị, vui vẻ khác,… - bất kể thứ gì bạn làm với suy nghĩ của mình, chỉ cần nó thỏa đáng hơn những gì bạn nghĩ trước đấy, nó sẽ là một sự sao nhãng tích cực.
2. Hãy dành tiền cho những trải nghiệm, thay vì các món đồ vật chất
Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị mà đồng tiền đem lại đã khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Khi có tiền, chúng ta được trao cơ hội để có được sức khỏe tốt hơn, đồ ăn ngon hơn và cuộc sống thoải mái, tiện nghi hơn. Tuy nhiên, có nhiều tiền có thật sự khiến chúng ta hạnh phúc hơn? Câu trả lời là có và không. Bằng chứng là có rất nhiều người giàu có không thực sự cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của mình. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là Notch - nhà phát triển trò chơi phiêu lưu nổi tiếng Minecraft, khoảng 1 năm sau khi ông bán công ty Mojang cho Microsoft với giá là 1.5 tỷ bảng, thể hiện qua những bài đăng u ám của ông trên Twitter:
"Vấn đề của việc sở hữu mọi thứ nằm ở chỗ bạn không còn lý do để tiếp tục cố gắng, sự tương tác giữa người với người trở nên mất khả thi chính vì mất cân đối." - 29/8/2015.
Ông đã rơi vào trạng thái mà các nhà tâm lý học gọi là "thói quen hưởng lạc" - khi mà những thứ mới lạ đã trở nên nhàm chán. Khác hoàn toàn với những món đồ vật chất, những trải nghiệm không bị ảnh hưởng bởi thói quen hưởng lạc vì chúng ta không tiếp xúc với chúng hết lần này đến lần khác. Thay vào đó, chúng ta ghi nhớ những cảm xúc tại thời điểm xảy ra sự việc.
Vì vậy, thi thoảng hãy tự thưởng cho mình một chuyến đi chơi để cải thiện mức độ hạnh phúc của cuộc sống.
Không quan trong số tiền ta có là bao nhiêu, quan trọng là cách ta sử dụng chúng!
3. Hãy biết ơn và trân trọng những gì mình đang có
Chúng ta thường quen với cuộc sống tốt đẹp và coi rất nhiều điều là hiển nhiên. Buổi sáng hôm nay bạn thức dậy, pha một tách cà phê và nhâm nhi trước khi đi đến chỗ làm mà không mảy may có một thái độ biết ơn khi không cần phải có mồi lửa bằng cách chà 2 thanh gỗ vào nhau trong suốt một giờ liền. Điều này cũng xảy ra tương tự khi bạn có thể hít thở bình thường sau khi bị một trận cảm cúm nặng hay có thể di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác bằng xe buýt thay vì đi bộ.
Những việc xảy ra không theo ý muốn của chúng ta thường gây nên những cảm xúc tiêu cực nhưng các sự việc diễn ra theo sự mong muốn của chúng ta lại không hề gây ảnh hưởng đến cảm xúc, về cả mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta đang dần coi những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống là điều hiển nhiên và không hề trân trọng những điều quý giá ấy.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nhiều câu chuyện về những người mắc bệnh nan y nhưng vẫn sống một cách lạc quan, thậm chí có ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh. Tại sao họ lại có thể sống tích cực như vậy thay vì đau khổ vì căn bệnh mà họ mắc phải? Tôi tin chắc rằng sự trân trọng cuộc sống đã phần nào giúp họ có được thái độ và tinh thần lạc quan ấy. Bời vì mỗi sáng thức dậy, họ đều cảm ơn vì mình vẫn còn sống, họ trân trọng khoảng thời gian ít ỏi mà mình có và dùng nó để làm những công việc có ý nghĩa mà không bỏ phí chút nào.
Trở nên trân trọng cuộc sống hơn không có nghĩa là trở thành một tên dở hơi suốt ngày nhảy múa, ngửi hương hoa và hét lên “Tôi yêu cuộc sống này!!!” mà chỉ đơn giản là trân trọng những gì mình đang có.
Nội dung: Anh Thư
Ảnh: Nguyễn Thảo