Giỏ hàng

[Góc nhìn] Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ - Chân Thành Đi Khắp Thế Gian

CHÂN THÀNH ĐI KHẮP THẾ GIAN

Đâu là thứ để lại ấn tượng cho bạn khi tiếp xúc với một người nào đó? Là vẻ ngoài xinh xắn, sự hài hước, năng lượng tích cực, hay cách nói chuyện rất duyên? Có lẽ, mỗi chúng ta thường bị thu hút bởi vẻ bề ngoài trước tiên, song để duy trì và xây dựng một mối quan hệ, lại phụ thuộc nhiều vào quá trình giao tiếp và sự chân thành của đối phương. Chính vì vậy, khéo ăn nói không chỉ là giỏi giao tiếp mà còn là giao tiếp thế nào để thu phục lòng người.

1. Tại sao khéo ăn nói lại quan trọng đến vậy?

Chúng ta chẳng thể phủ nhận việc khéo léo trong giao tiếp là một chìa khóa tốt giúp mở cánh cửa kết nối với thế giới bên ngoài. Nhờ giao tiếp mà chúng ta tìm được những người bạn đồng hành trên một chặng đường nào đó. Nhờ giao tiếp mà bạn cảm thấy tự tin hơn, muốn được lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn. Cũng nhờ giao tiếp mà nhiều người đã nắm bắt được cơ hội để thành công. Bởi so với một người nhút nhát và ngại ngùng trong giao tiếp, bạn sẽ dễ làm quen và bị thu hút bởi một người giao tiếp khéo léo, linh hoạt hơn.

2. Như thế nào là khéo ăn nói?

Đến đây, có thể bạn sẽ nghĩ khéo ăn nói là khả năng xử lý tình huống một cách khéo léo, làm cho cuộc nói chuyện đang căng thẳng trở nên dễ chịu, thoải mái hơn. Cũng có nhiều người cho rằng khéo ăn nói là một dạng xu nịnh để được lòng người khác, và họ thường tỏ ra không lấy gì làm hài lòng với cách cư xử ấy. Thực ra, giỏi ăn nói đôi khi cũng là một loại tài năng, nếu bạn đố kỵ với điều đó thì đồng nghĩa với việc bạn đang ngụy biện cho sự vụng về và thiếu cố gắng trong việc học hỏi, rèn luyện khả năng giao tiếp của bản thân. Nó cũng có nghĩa là, "xu nịnh" - khi nhìn ở một góc độ khác không có gì là đáng xấu.

Ngày nay, nhiều người đang đánh đồng EQ (một loại trí tuệ cảm xúc) với việc giỏi giao tiếp. Đó là lý do tại sao có kẻ chỉ được coi là "nịnh bợ", "chém gió", trong khi có những người được gọi là "học giả". Bạn có thể qua mắt được nhiều người, nhưng không phải tất cả. Rất nhiều người tài giỏi, họ đủ hiểu biết để phân biệt và đánh giá những thông tin, kiến thức mà bạn đang nói. Chính vì vậy, giao tiếp cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi quá trình quan sát, luyện tập, trau dồi và học hỏi những kỹ năng cần thiết.

3. Làm thế nào để khéo ăn nói?

Trong cuốn "Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ", tác giả Trác Nhã có viết: “Chân thành chính là thứ ngôn ngữ hay nhất, nếu không chân thành thì cho dù nói nhiều bao nhiêu, nắm được nhiều kỹ năng và phương pháp giao tiếp đến thế nào, tất cả cũng chỉ là vô nghĩa."

Điều khéo léo nhất trong giao tiếp chính là chân thành. Những điều bạn nói dù nghe có vẻ đúng đắn, hợp lý đến đâu, nhưng sẽ chỉ là sáo rỗng nếu thiếu đi sự chân thành. Bởi những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim, và chỉ khi xuất phát từ sự chân thành, lời nói của bạn mới đủ sức thu phục lòng người. Hãy thử tưởng tượng xem, khi ai đó xin lỗi bạn vì hành động của mình, nhưng bạn không nhìn thấy sự hối lỗi trong lời nói, ánh mắt của họ, liệu bạn có thực sự sẵn lòng tha thứ? Hãy học cách chân thành, nhưng là chân thành một cách khéo léo. Đừng xuề xòa. Đừng biến sự chân thành của bạn trở thành điểm yếu để người khác lợi dụng.

Giao tiếp không có bất kỳ một công thức chung nào. Mỗi người đều tích lũy cho mình vốn từ ngữ riêng, vì vậy hiệu quả của việc giao tiếp phụ thuộc vào khả năng sử dụng vốn riêng ấy một cách linh hoạt, khéo léo, đồng thời cần tích lũy, làm giàu đẹp cho ngôn ngữ của bản thân. Thay vì cứ giao tiếp theo một khuôn mẫu nhất định, tại sao chúng ta không thoải mái và chân thật với nhau?

Nội dung: Phạm Thị Lê - Bila team
Ảnh: Anh Duy - Bila team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top