Giỏ hàng

Lên Tiếng Bảo Vệ Sự Tầm Thường

Ai cũng có điểm mạnh điểm yếu của riêng. Nhưng suy cho cùng, ta khá là bình thường trong mọi việc ta làm. Ngay cả khi ta trội ở 1 thứ - toán, nhảy dây, hay những việc đáng nghi hơn như là rửa tiền bằng việc bán súng ở chợ đen - suy cho cùng ta vẫn khá bình thường ở những việc khác. Nếu muốn giỏi hơn ở việc gì đó, ta phải dành thời gian và năng lượng cho nó; nhưng đa số chúng ta không có đủ thì giờ và công sức, ít người có thể vượt trội trong hơn chỉ một hai thứ. Tất cả chúng ta đa phần khá là bình thường, và số đông sẽ không trở thành thiên tài trong bất cứ thứ gì cả.


Có một gã trai như thế này. Thiên tài về công nghệ. Nhà phát minh và doanh nhân. Biết chơi thể thao và rất tài năng. Gã ta đẹp trai và có xương quai hàm cực phẩm tới độ chỉ cần nhìn thôi ta sẽ nghĩ rằng chính thần Zeus đã hạ thế từ đỉnh Olympia để mà tự tay chạm khắc ra hình hài của gã. 

Hơn thế nữa, gã này còn có một dàn siêu xe thể thao, một vài chiếc du thuyền. Và khi không bận đóng góp hàng triệu đô la cho các tổ chức từ thiện, gã thay các cô bạn gái siêu mẫu của gã thường xuyên như cách mà những người khác thay đổi tất của họ.

Nụ cười của gã có thể đánh gục cả một căn phòng. Sức hút của ngã mạnh mẽ đến mức ta như trúng bùa ngải. Nửa số bạn của gã thì nằm trong top "Nhân vật của năm" do tạp chí TIMES bình chọn. Nửa còn lại không hề quan tâm bởi vì chỉ cần họ thích, họ có thể dễ dàng mua lại cả tòa soạn. Và khi không bay lượn vòng quanh thế giới hay tìm ra những cải tiến công nghệ ưu việt có thể cứu rỗi cả hành tinh, gà dành thời gian giúp đỡ những kẻ khốn cùng, yếu đuối và bất lực trong xã hội.

Gã ta là ai? Bạn đoán đúng rồi đấy, đó chính là Bruce Wayne. Hay còn được biết đến với biệt danh Người Dơi. Và (cẩn thận spoiler!), gã hoàn toàn không tồn tại. Gã chỉ là hư cấu mà thôi.

Đó là một khía cạnh thú vị của bản chất con người, khi chúng ta dường như cần phải nghĩ và tạo ra những hình ảnh anh hùng hư cấu như thế để thể hiện sự hoàn hảo và để hóa thân thành những gì chúng ta luôn mong muốn được trở thành. Châu Âu thời trung cổ có những câu chuyện kể về các chàng hiệp sĩ dũng cảm giết chết rồng và giải cứu nàng công chúa. La Mã và Hy Lạp cổ đại có những thần thoại kể về các chiến công của nhiều anh hùng đã một mình chiến thắng cả một trận chiến và trong một số trường hợp, đối đầu với cả các vị thần quyền năng. Tương tự, mọi nền văn hóa khác trên thế giới cũng đều được hoàn thiện với những câu chuyện giả tưởng kiểu như vậy.

Và ngày nay, ta có các nhân vật siêu anh hùng. Lấy Superman chẳng hạn. Hắn ta cơ bản là thánh đội lốt người, mặc quần lót đỏ bên ngoài bộ đồ liền bó chẽn màu xanh. Hắn ta không thể bị giết, cũng không thể bị đánh bại. Thứ duy nhất cứng rắn hơn cơ thể hay bộ đồ lót của hắn chỉ có thể là những luân lý, đạo nghĩa mà hắn mang trong mình. Trong thế giới của Superman, công lý chỉ có hai mặt, trắng và đen, và hắn ta không hề ngần ngại làm điều đúng đắn. Không.bao.giờ.

Tôi không nghĩ rằng tôi đang khuấy động cả một lĩnh vực tâm lý học bằng cách đưa ra ý kiến rằng, là con người, chúng ta cần phải có những hình tượng anh hùng này kia để giúp ta đối phó với cảm giác bất lực của chính mình. Có hơn 7,2 tỷ người trên hành tinh này và chỉ có khoảng 1.000 người là thật sự có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, dù bạn tính ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Điều đó sẽ khiến cho 7.199.999.000 +/- người khác trong chúng ta buộc phải sống với những hạn chế của bản thân và chấp nhận cái thực tế là phần lớn những gì chúng ta làm đều có thể sẽ không còn quan trọng sau khi chúng ta chết. Đây rõ ràng không phải là một điều thú vị gì khi nghĩ đến hay chấp nhận nhỉ?

Hôm nay, tôi muốn đổi hướng khỏi văn hóa "làm, làm nữa, làm mãi" và tranh luận về những lợi ích của sự tầm thường, của việc làm một con người chán ngắt và bình thường. Tôi không nói về lợi ích của việc theo đuổi sự tầm thường - dù sao thì chúng ta ai cũng nên cố gắng hết sức có thể - nhưng đúng hơn, là những lợi ích của việc chấp nhận sự tầm thường mà ngay cả khi với khả năng và nỗ lực tốt nhất, ta cũng chỉ đạt được đến ngần đó.

ĐẰNG SAU ĐƯỜNG CONG

Mọi thứ trong cuộc sống là một sự bù trừ. Một số người trong chúng ta được sinh ra với năng lực cao trong học vấn. Những người khác được sinh ra với các kỹ năng thể chất tuyệt vời. Có những người giỏi thể thao. Lại có những người có khiếu nghệ thuật… Con người đúng là một nhóm sinh vật rất đa dạng về kỹ năng và tài năng. Và dù hiển nhiên rằng những gì chúng ta đặt được trong cuộc sống hầu hết phụ thuộc vào sự luyện tập và nỗ lực, nhưng mọi người chúng ta đều được sinh ra với những năng khiếu và tiềm năng khác nhau.

(Chú thích: Số người; Tốp cuối 20% - Năng lực yếu kém; Tốp giữa 60% - Năng lực trung bình; Tối cuối 20% - Năng lực xuất sắc)

Đây được gọi là đường cong hình vòm (hay “Phân phối chuẩn”). Ai đã học về thống kê và sống sót qua khỏi lớp đó thì sẽ lập tức nhận ra nó.

Đường cong hình vòm khá đơn giản. Lấy thông số về một nhóm người, ví dụ như người chơi golf ít nhất 1 lần/năm. Trục hoành cho thấy họ giỏi chơi thế nào - càng về phải càng hay, càng về trái càng dở.

Giờ, hãy nhìn ở hai góc của đường cong, ta sẽ thấy càng về cuối nó lại càng tiệm cận với trục hoành, nói cách khác là hai mép của nó rất mỏng. Suy ra, người giỏi không nhiều, người dở cũng chả đông, đa số nằm ở giữa, chính là ở mức bình thường. 

Ta có thể áp dụng đường cong này vào cả đống thứ: chiều cao, cân nặng, sự trưởng thành tâm lý, lương bổng, này nọ.

Và đây, đây là Michael Jordan úp rổ:

Ai cũng biết anh ta là một trong những người giỏi nhất trong việc này, vậy nên anh ta, không nghi ngờ gì nữa, thuộc về bên phía góc phải:

(Chú thích: Số người; Tốp cuối 20% - Năng lực yếu kém; Tốp giữa 60% - Năng lực trung bình; Tối cuối 20% - Năng lực xuất sắc; Michael Jordan (Giỏi hơn 99% còn lại)).

Rồi hãy nhìn sang ông nội này:

Chắc chắn không phải là Michael Jordan. Nhiều người ở đây còn có thể nói họ chơi giỏi hơn anh này gấp nhiều lần, thế nên anh ta nằm ở bên góc trái:

(Chú thích: Số người; Tốp cuối 20% - Năng lực yếu kém; Tốp giữa 60% - Năng lực trung bình; Tối cuối 20% - Năng lực xuất sắc; Michael Jordan (Giỏi hơn 99% còn lại); Một gã nào đó đã nốc quá nhiều Cheeseburger (khá hơn tốp cuối 5%))

Vậy đấy, thế là ta ngước nhìn Michael Jordan trong sự nể phục và ta cười nhạo, chế giễu anh chàng lò xo. Cả hai đang nằm ở hai cực, và đa số chúng ta ngồi ở giữa đường cong.

TA KHÁ LÀ BÌNH THƯỜNG Ở MỌI THỨ

Ai cũng có điểm mạnh điểm yếu của riêng. Nhưng suy cho cùng, ta khá là bình thường trong mọi việc ta làm. Ngay cả khi ta trội ở 1 thứ - toán, nhảy dây, hay những việc đáng nghi hơn như là rửa tiền bằng việc bán súng ở chợ đen - suy cho cùng ta vẫn khá bình thường ở những việc khác. Nếu muốn giỏi hơn ở việc gì đó, ta phải dành thời gian và năng lượng cho nó; nhưng đa số chúng ta không có đủ thì giờ và công sức, ít người có thể vượt trội trong hơn chỉ một hai thứ. Tất cả chúng ta đa phần khá là bình thường, và số đông sẽ không trở thành thiên tài trong bất cứ thứ gì cả.

Rồi sau đó, ta cũng có thể nói rằng đó đơn giản là không khả thi cho bất kỳ ai để có thể trở thành phi thường trong tất cả, hoặc thậm chí chỉ là nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của họ. Bruce Wayne không tồn tại. Đơn giản là không. Doanh nhân xuất sắc thường là những kẻ gặp vấn đề trong cuộc sống đời tư. Các vận động viên phi thường cũng cù lần hệt các gã nhà nông. Và hầu hết những người nổi tiếng có lẽ cũng chả hiểu gì về cuộc sống hơn là những kẻ luôn dòm ngó và theo dõi từng bước chân họ đi.

Chúng ta, trong hầu hết các vấn đề, đều là những người ở mức trung bình. Rõ ràng chỉ có các thái cực quá tốt và quá tệ mới thu hút được sự chú ý. Trực giác của chúng ta biết điều này, nhưng chúng ta lại hiếm khi nghĩ và / hoặc nói về nó. Đại đa số chúng ta sẽ chẳng bao giờ thực sự xuất sắc tại, ừm, bất cứ điều gì cả. Và điều đó vẫn ổn.

Điều này dẫn đến một vấn đề quan trọng: sự tầm thường, dưới dạng một mục tiêu, thì chán thật. Nhưng sự tầm thường, dưới dạng một kết quả, thì hoàn toàn là ỔN .

Tuy nhiên không nhiều người hiểu điều này, và ít người hơn nữa chấp nhận nó, vì khi ta mong chờ mình giỏi giang, hay tệ hơn, nghĩ mình ĐÁNG được giỏi giang, vấn đề sẽ xuất hiện, vấn đề khiến ta nghĩ "Ủa, thế rồi tôi sống còn có nghĩa lý gì nữa?". Thực tế rằng, nó chỉ là không thể và đơn giản là bất khả thi. Với mỗi Michael Jordan hay Kobe Bryant, sẽ có khoảng 10 triệu tên ất ơ lẹo dẹo quanh công viên chơi trò tán gái… và thất bại. Với mỗi Picasso hay DaVinci, có 1 tỷ đứa trẻ miệng còn nhỏ dãi tập tành ăn Play-Doh và trét sơn đầy tay rồi in tay lung tung. Và với mỗi Tolstoy, có cả đống kẻ như tôi, nguệch ngoạc với ngòi bút chơi trò làm nhà văn.

TÍNH ĐỘC TÀI CỦA MỘT VĂN HOÁ VỀ SỰ NỔI TRỘI

Vấn đề như vậy nhé. Tôi cho rằng ngày nay chúng ta trông chờ (hoặc cảm thấy có quyền) được phi thường nhiều hơn bao giờ hết, hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Lý do giải thích cho việc này xuất phát từ sự phát triển của khoa học công nghệ và đặc quyền kinh tế chúng ta được hưởng.

Việc có Internet, Google, Facebook, Youtube,... và hơn 500 kênh truyền hình là điều đáng kinh ngạc. Ta có thể tiếp cận đến nhiều thông tin hơn mọi thời đại trong lịch sử chứ còn gì nữa !

Nhưng sự tập trung của ta có hạn - ta đâu thể nào xử lý lượt thông tin khủng bố như những cơn sóng thần ồ ạt chạy qua Internet vào thời điểm bất kỳ như vậy. Bởi nên những thứ duy nhất vượt qua được làn sóng ấy và làm ta chú ý chí còn lại là những thông tin thật sự đặc biệt. 1 trong 1 triệu.

Mỗi ngày, ta bị ngập trong những điều phi thường. Nhất của nhất. Rác của rác. Thành tích tuyệt vời nhất, câu đùa nhiều haha nhất, tin tức tệ nhất, lời đe dọa ghê gớm nhất. Không.Ngừng.Nghỉ.

Cuộc sống chúng ta ngày nay bị nhấn chìm trong thông tin về hai rìa mép của  đường cong, bởi đó là những thứ thu hút ánh mắt tò mò của người đọc, và những tò mò ấy mới là thứ hái ra tiền. Nhưng đa số cuộc sống vẫn mãi sẽ định cư ở phần giữa:

(Chú thích: Cái mà truyền thông cho chúng ta thấy; Hiện thực về phần lớn cuộc sống của mọi người)

Tôi tin rằng chính sự chọn lọc thông tin từ hai cực này đã dẫn ta tin rằng "phi thường" là "bình thường" mới, và vì mỗi người hiếm khi "phi thường", ta luôn cảm thấy khá là bất an về bản thân, và tuyệt vọng muốn cảm thấy "phi thường" vào mọi lúc. Vậy nên ta bồi đắp. Một số chơi những mánh làm-giàu-nhanh. Số khác xách vali nhảy sang châu Phi cứu trẻ em đang chết đói. Số khác nữa thì cố gắng thành công trong môi trường học đường và ẵm nhiều giải thưởng nhất có thể. Và cũng có những kẻ khốn cùng quá sẽ thể hiện bằng cách xả súng vô tội vạ trong trường học hay cố gắng quan hệ với bất kỳ ai mà họ gặp được.

Sự độc tài về tâm lý này tồn tại trong văn hóa ngày nay. Một cảm giác rằng ta phải luôn chứng minh mình đặc biệt, khác biệt và có-một-không-hai dù bất kỳ giá nào đi nữa. Tất cả chỉ để cái cảm giác bản thân "phi thường" ấy bị cuốn trôi bởi làn sóng những việc phi thường khác đang xảy ra cùng lúc.

Ví dụ, video dài 5 phút này thể hiện toàn những thành tựu đáng kinh ngạc nhất bạn có thể tưởng tượng:

Điều điên rồ là mỗi người trong video ấy, để có được 5 giây đầy ngoạn mục, có thể đã dành 5, 10, 15 năm tập luyện, rèn giũa những kỹ năng, cộng với hàng chục giờ quay phim. Và tất cả cũng chỉ để có được 5 giây hoàn hảo ấy

Nhưng ta không thấy những năm tập luyện của họ, hay hàng chục giờ quay phim thất bại. Ta chỉ được tiếp xúc với thời điểm đáng nhớ nhất của mỗi người trong đó, và có khi là đáng nhớ nhất cuộc đời họ. Rồi xem xong thì ta quên đi và quay sang thứ tiếp theo, rồi tiếp theo nữa.

N-N-N-NHƯNG NẾU TÔI KHÔNG TRỞ NÊN ĐẶC BIỆT HAY PHI THƯỜNG NỮA THÌ MỌI VIỆC LIỆU CÓ CÒN NGHĨA LÝ GÌ HAY KHÔNG ?

Nó dường như trở thành một phần được chấp nhận trong văn hóa của chúng ta ngày nay: tin rằng tất cả chúng ta đều được định sẵn để làm một điều gì đó thực sự phi thường. Người nổi tiếng nói như thế. Rồi đến các ông trùm kinh doanh và các chính trị gia. Chính cả Oprah cũng nói như thế. Mỗi người trong chúng ta đều có thể trở nên phi thường và tất cả chúng ta đều xứng đáng với sự vĩ đại.

(Tạm dịch: Tôi tài giỏi. Bạn tài giỏi. Bạn kia cũng tài giỏi. Mọi người đều tài giỏi.” )

Nhưng về cơ bản, tuyên bố này vốn đã tự mâu thuẫn chính bản thân nó. Xét cho cùng, nếu mọi người đều phi thường, thì theo định nghĩa, sẽ không có ai là phi thường cả. Hầu hết ai trong chúng ta cũng đều bỏ qua điểm vô lý này, và thay vào đó, chúng ta tin lấy tin để cái thông điệp được truyền tải ở đây và trở nên quá ám ảnh với nó không biết từ lúc nào.

“Bình thường” đùng một cái bỗng trở thành tiêu chuẩn mới trên cái thước đo về sự thất bại. Điều tồi tệ nhất bạn có thể trở thành là đứng ở giữa cái đám đông, hay giữa đường cong hình chuông. Nhưng vấn đề ở đây nằm ở chỗ, theo thống kê, hầu hết tất cả chúng ta đều nằm giữa đường cong ở hầu như mọi lúc và trong hầu hết mọi việc chúng ta làm. Chấp nhận rằng, bạn có thể là một tay golf đẳng cấp thế giới. Nhưng cuối cùng bạn vẫn phải về nhà và trở lại làm một tên ăn nhậu, mồm to. Tệ hơn nữa, bạn có thể trở thành Tiger Woods. Không ai có thể phi thường trong thời gian dài.

Rất nhiều người sợ chấp nhận sự bình thường bởi vì họ tin rằng nếu họ chấp nhận bản thân mình bình thường, thì họ sẽ không bao giờ có thể đạt được bất cứ điều gì, không bao giờ cải thiện và cuộc sống của họ sẽ chẳng còn ý nghĩa hay giá trị gì nữa. 

Tôi thấy lối suy nghĩ như vậy sẽ dẫn tới các hậu quả cực kỳ nguy hiểm. Hãy nghĩ mà xem, một khi bạn chấp nhận tiền đề rằng một cuộc sống chỉ có giá trị nếu nó thực sự đáng chú ý và tuyệt vời, thì về cơ bản, bạn đã chấp nhận cái thực tế rằng hầu hết dân số loài người đều thật rởm đời và vô giá trị. Và nói về mặt đạo đức, đó thật sự là một ý tồi khi bạn lại tự đặt bản thân mình vào cái vị trí như thế.

Nhưng hầu hết mọi vấn đề của chúng ta đối với việc chấp nhận ở mức bình thường lại thiết thực hơn. Chúng ta lo lắng rằng: "Nếu tôi chấp nhận rằng tôi bình thường, thì tôi sẽ không bao giờ đạt được điều gì tuyệt vời. Tôi sẽ chẳng có một cái động lực gì để cải thiện bản thân hoặc làm điều gì đó phi thường. Và lỡ như tôi là một trong số ít người đặc biệt thì sao?"

Đây cũng là một niềm tin lệch lạc và sai lầm. Những người thực sự xuất sắc ở một lĩnh nào đó, họ xuất sắc không phải vì họ tin rằng họ là đặc biệt. Trái lại, họ trở nên tuyệt vời vì họ ám ảnh bởi sự cải thiện. Và nỗi ám ảnh về sự cải tiến bắt nguồn từ một niềm tin không ngừng nghỉ rằng trên thực tế, họ không tuyệt vời chút nào. Rằng họ là tầm thường và trung bình. Và vì vậy, họ cần cải thiện để trở nên tốt hơn như vậy rất nhiều.

Đây chính là cái nghịch lý lớn nhất của tham vọng. Hãy nghĩ mà xem, nếu bạn cứ tin rằng bản thân phải trở nên thật tài giỏi, phải leo thật cao và đứng trên tất cả mọi người thì lúc nào bạn cũng sẽ thấy mình là một nỗi thất bại. Nếu bạn cứ mong muốn trở thành người được chú ý và nhận được sự hưởng ứng của mọi người thì lúc nào bạn cũng sẽ cảm thấy cô đơn. Còn nếu bạn muốn quyền lực và được người khác ngưỡng mộ? Bạn sẽ luôn cảm thấy bản thân mình thật yếu đuối và bất lực.

Các điều mà người ta thường nói "ai cũng có thể trở nên phi thường và làm những việc lớn" thật chất chỉ là những thứ đánh vào lòng tự ái của bạn. Đó là những thứ nhảm nhí chúng ta thường tin, chỉ để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn trong một vài phút ngắn ngủi và có thể vượt qua thêm một tuần tồi tệ mà không tự treo cổ chính mình trong căn phòng chật hẹp của bản thân. Nó là một thông điệp, thoạt nhìn có vẻ sẽ trôi nhẹ nhàng, dễ dàng xuống cổ họng, nhưng trong thực tế nó chẳng khác nào những colories dư thừa, trống rỗng khiến cơ thể bạn mập mạp và căng phồng lên, y hệt như tác hại của các món Mac Donald mà ai ai cũng yêu thích lên trái tim và trí não của con người.

Bí quyết thật sự để có một tinh thần ổn định, cũng giống sức khoẻ vật lý tốt đến từ việc ăn rau quả - về bản chất là qua việc chấp nhận những điều tầm thường và nhạt nhẽo mà cuộc sống của bạn mang lại: một món salad khai vị của: "bạn khá là tẻ nhạt trong bức tranh lớn hơn về cuộc sống" và một chút rau cải xanh hầm của "bạn sẽ tiếp tục trở nên tầm thường trong suốt quãng đời còn lại". Chúng sẽ có vị rất tệ vào lúc ban đầu. Và tin tôi đi, bạn sẽ cố gắng lảng tránh mà không ăn chúng.

Nhưng một khi bạn đã nuốt trôi những món khó ăn đó, cơ thể bạn sẽ tỉnh ngộ, bạn sẽ cảm thấy tràn trề sinh lực và thấy mình "sống" hơn bao giờ hết. Sau tất cả, cái gánh nặng mà trước giờ luôn hiện hữu, luôn bắt bạn phải trở thành một cái gì đó tuyệt vời, thành sự phi thường kế tiếp nay đã được trút bỏ. Mọi sự bất an, lo âu xen lẫn cảm giác mặc cảm về bản thân tầm thường đi kèm theo đó cũng sẽ bay biến tựa thinh không.

Và những gì còn lại, chính là sự thấu hiểu và chấp nhận cái tầm thường của sự tồn tại của bản thân, sẽ giải thoát và cho phép bạn hoàn thành những gì bạn mong muốn hoàn thành mà không còn chịu bất kỳ một ánh nhìn định kiến hay kỳ vọng quá mức nào nữa.

Bạn sẽ có một cái nhìn trân trọng những trải nghiệm bình thường của cuộc sống này hơn. Bạn sẽ học cách đánh giá bản thân mình qua một thước đo mới lạ, và an nhiên: niềm vui đến từ những tình bạn giản đơn, đến từ việc tạo ra một thứ gì đó, đến từ việc giang đôi tay đối với người cần giúp đỡ hay đọc được một cuốn sách hay, hoặc đơn giản chỉ là có thể cùng cười với những người bạn yêu quý.

Nghe có vẻ chán phải không ? Đó là bởi vì những thứ ấy tầm thường. Nhưng biết đâu chúng tầm thường bởi vì một lý do nào đấy. Và bởi vì chúng mới chính là những điều thật sự quan trọng đối với cả tôi và bạn.

Chúc mừng bạn đã chấp nhận sự bình thường và sống tự tại, vui vẻ với bản thân

Dịch: Thảo Anh - NBT Team

Ảnh: Tâm Như - NBT Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top